Phương thức lựa chọn, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt của các đảng cầm quyền tại Ấn Độ và một số đề xuất cho Việt Nam

31/07/2023

1. Phương thức lựa chọn, đào tạo lãnh đạo chủ chốt của các đảng cầm quyền tại Ấn Độ

1.1 Đảng Quốc đại

Ở Ấn Độ Đảng Quốc đại là chính đảng lớn nhất, được dẫn dắt bởi những lãnh tụ được cả nước tôn sùng - Gandhi, Nehru, Bose, Patel - những người vạch ra đường lối cho sự phát triển chính trị của đất nước. Vì vậy, Đảng Quốc đại đạt được tầm ảnh hưởng rộng lớn và là đảng cầm quyền trong hầu hết các giai đoạn lịch sử của đất nước Ấn Độ.

-Về phương thức lựa chọn người đứng đầu:

Chủ tịch Đảng Quốc đại Ấn Độ là người đứng đầu đảng chịu trách nhiệm quản lý mối quan hệ của đảng với công chúng, xây dựng và truyền đạt chính sách của đảng, đặc biệt là xây dựng nền tảng cho các cuộc vận động tranh cử. Cấu trúc của Đảng Quốc đại có sự phân cấp rõ rệt. Các đại biểu từ các tiểu bang và các đảng khu vực sẽ tham dự một hội nghị quốc gia hàng năm để bầu ra chủ tịch Đảng và một ủy ban Quốc hội. Tuy nhiên, Uỷ ban thường trực của Đảng Quốc đại gồm 20 thành viên, đa số các thành viên là những người có ảnh hưởng lớn được bổ nhiệm bởi chủ tịch đảng Đảng cũng được tổ chức thành nhiều ủy ban và bộ phận khác nhau (ví dụ: các nhóm riêng của thanh niên và phụ nữ)[1].

Đặc điểm lớn nhất của phương thức tuyển chọn Chủ tịch đảng Quốc đại chính là xu hướng gia đình trị - đây là đặc điểm lớn nhất đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm uy tín của đảng này hiện nay. Quá trình chuyển đổi thành thể chế gia đình trị xảy ra vào năm 1975, khi Indira Gandhi chuyển giao vai trò chính trị cho con trai của mình là Sanjay. Kể từ đó (ngoại trừ giai đoạn 1991-1998), Đảng Quốc đại trở thành một chính đảng do gia tộc Nehru - Gandhi lãnh đạo[2]. Gia tộc Nehru-Gandhi có 3 thành viên (Jawaharlal Nehru, con gái ông là Indira Gandhi, và cháu ngoại ông là Rajiv Gandhi) đều lãnh đạo Ấn Độ trong cương vị thủ tướng, và đều giữ chức vụ chủ tịch Đảng quốc đại. Một thành viên khác của gia tộc và là vợ của  Rajiv Gandhi - Sonia Gandhi, hiện  nay cũng là Chủ tịch Đảng Quốc đại. Vị trí này được dự đoán là sẽ được trao lại cho con trai của Sonia Gandhi là Rahul Gandhi. Nếu điều này xảy ra, Rahul Gandhi sẽ  đại diện cho thế hệ thứ năm của Gia tộc Nehru - Gandhi bước vào chính trường Ấn Độ. Con gái của Sonia Gandhi là Priyanka Vadra Gandhi, không ra tranh cử nhưng tham gia vận động cho đảng và cũng nhận được nhiều sự ủng hộ để đảm nhiệm vị trí lãnh đạo đảng nếu bà chấp nhận cuộc đời hoạt động chính trị. Gia tộc Nehru-Gandhi là điển hình nổi bật nhất trong truyền thống kế thừa vị trí lãnh đạo trong chính trường của một số nền dân chủ châu Á (Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Philippines, Indonesia, Myanma). Hầu hết những "triều đại" này đều có truyền thống kế thừa theo cách người vợ góa hoặc con gái nối tiếp sự nghiệp chính trị của những nhà lãnh đạo nam giới.

-Về phương thức lựa chọn, đào tạo, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt:

Đặc điểm lớn nhất trong phương thức lựa chọn, đào tạo, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt của Đảng Quốc đại là xu hướng tập trung quyền lực, trong đó các lãnh đạo của Đảng Quốc đại không có nhiều tiếng nói trong các vấn đề quan trọng, quyền quyết định chủ yếu được trao cho chủ tịch Đảng. Những nhà lãnh đạo nhiệt huyết và có năng lực xuất sắc như Narasimha Rao cũng đột ngột trở nên im lặng vào cuối nhiệm kỳ của mình và chuyển giao quyền lực kiến tạo các chương trình của chính phủ cho Rajiv và Indira – Chủ tịch Đảng Quốc đại.

Hơn nữa trong nội bộ đảng còn có sự bài trừ các lãnh đạo có quan điểm đối nghịch với chủ tịch đảng. Điều này đã gián tiếp tạo ra những đối trọng đáng gờm của Đảng Quốc đại. Một số lãnh đạo lãnh đạo cấp cao trong Đảng Quốc đại không ủng hộ chính sách của gia tộc Nehru đã tách ra thành lập BJP, Janata Dal và một số đảng chính trị khác. Nếu phân tích lịch sử ra đời của các đảng phái chính trị ở Ấn Độ, dễ dàng nhận ra rằng rất nhiều đảng chính trị chủ yếu được tạo ra bởi những cựu thành viên đối lập với "gia đình Nehru" và ý thức hệ của họ:

- BJP được thành lập bởi Syama Prasad Mukherjee - một cựu thành viên Đảng Quốc đại đã từng làm Bộ trưởng Công nghiệp trong chính phủ của thủ tướng Nehru. Sau khi mâu thuẫn với Nehru về việc ký kết Hiệp ước Liaquat - Nehru (Mukherjee là người phản đối việc mời Thủ tướng Pakistan đến Delhi) ông đã tách ra thành lập một chính đảng mới.

- Đảng Janata được thành lập bởi Jayaprakash Narayan (JP) - một nhà hoạt động chính trị đồng thời là một lãnh đạo nổi tiếng trong Đảng Quốc đại, ông có nhiều quan điểm mâu thuẫn với Indira Gandhi về sự phát triển, vấn đề tham nhũng và độc lập chính trị.

- Janata Dal được thành lập bởi VP Singh - trợ lý thân cận của Rajiv, khi ông phải rời khỏi nội các của Rajiv Gandhi vì bị điều tra về vấn đề Bofors. Sau khi ra khỏi Đảng Quốc đại, ông đã thành lập một chính đảng của riêng mình vào năm 1988. Ở chính đảng mới này, ông đã hợp tác với IK Gujaral, người từng là bộ trưởng về truyền thông dưới chính quyền của Indira và bị đuổi việc vì từ chối kiểm duyệt truyền thông trong trường hợp khẩn cấp.

- Đảng Nationalist Congress được thành lập bởi Sharad Pawar khi ông bị trục xuất khỏi đảng Quốc đại vì đặt câu hỏi nghi ngờ về tính hợp pháp trong các hoạt động của Sonia Gandhi vào năm 1999.

Như vậy, các đảng quốc gia của Ấn Độ hiện nay đều được thành lập khi Đảng Quốc đại từ chối việc minh bạch hóa quá trình ra quyết định. Trong quá khứ, Rajaji từng thành lập đảng cánh hữu Swatantra để phản đối lý tưởng xã hội chủ nghĩa Nehruvian. Vào năm 1974, đảng Lok Dal được thành lập khi Indira từ chối việc chia sẻ quyền lực.

Hiện nay những người chống đối các lãnh đạo chính trong Đảng Quốc đại đều rời khỏi đảng này, nhất là những người tỏ ra nghi ngờ các hợp đồng giao dịch về quốc phòng của Rajiv hay xuất thân ngoại quốc của Sonia.

Cuối cùng, trong một thời gian khá dài, Đảng Quốc đại đã đồng nhất vị trí thủ tướng và chủ tịch đảng. Indira Gandhi đã thể chế hoá cách thức lãnh đạo trong đó một người có thể đảm nhiệm hai vị trí: lãnh đạo đảng và lãnh đạo đất nước. Con trai bà, Rajiv Gandhi, vẫn tiếp tục thi hành chính sách này. Sau này, thủ tướng Narasimha Rao cũng đồng thời là chủ tịch đảng. Đến giai đoạn Sitaram Kesri làm chủ tịch đảng, ông không giữ chức thủ tướng và Đảng Quốc đại không còn là đảng cầm quyền. Phương thức này cũng bị xóa bỏ vào năm 2004 khi chủ tịch đảng lúc này là Sonia Gandhi không tham gia ứng cử thủ tướng.

Xem xét những đặc điểm trên, có thể nhận thấy đặc điểm nổi bật nhất trong phương thức tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu Đảng Quốc đại chính là sự tập trung quyền lực tối đa vào gia tộc Nehru - Gandhi. Việc lựa chọn thành viên của gia tộc nổi tiếng này vào vị trí lãnh đạo là cách để Đảng Quốc đại củng cố lòng tin của người dân vào những giá trị tốt đẹp được Jawaharlal Nehru gây dựng và gia đình ông tiếp nối. Tuy nhiên điều này cũng khiến các cử tri đặt ra câu hỏi, rằng việc tuyển chọn người đứng đầu Đảng Quốc đại có thực sự dựa trên năng lực hay là dựa vào gia thế và xuất thân của họ. Chính vì đối diện với sự hoài nghi này, những người đứng đầu Đảng Quốc đại càng phải củng cố quyền lực và loại trừ những lãnh đạo khác có quan điểm đối lập trong đảng. Những điều này khiến cho người dân mất niềm tin vào năng lực lãnh đạo đất nước của Đảng Quốc đại. Đây cũng là một nguyên nhân gián tiếp dẫn đến sự thất bại của Đảng Quốc đại trước đảng BJP vào năm 2014.

1.2 Đảng Bharatiya Janata

Từ năm 1998 đến năm 2014, Ấn Độ chứng kiến sự xuất hiện của một chính thể lưỡng cực. Đây là kết quả của sự nổi lên trong toàn quốc của Đảng Bharatiya Janata (BJP). Hai cực được thành lập bởi Đảng Quốc đại và Đảng BJP tương ứng, xung quanh là các đảng nhỏ hơn tham gia vào liên minh của hai đảng lớn này.

Trái ngược với Đảng Quốc đại, BJP không lựa chọn người đứng đầu theo thể chế gia đình trị, cũng không có xu hướng đồng nhất vị trí lãnh đạo đảng và lãnh đạo đất nước, mà chọn ra người đứng đầu đảng bằng cách bầu chọn ra người có uy tín và năng lực tốt nhất.

Mặt khác, là chính đảng của người Hindu, BJP có xu hướng chọn lựa lãnh đạo chủ chốt là những nhà dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo. Thủ tướng Ấn Độ hiện tại – Narendra Modi là một nhà dân tộc chủ nghĩa Hindu giáo, đồng thời là một lãnh đạo chủ chốt của BJP. Chủ tịch của BJP hiện tại là Rajnath Singh. Ông từng là thủ hiến bang Uttar Pradesh và là một bộ trưởng trong chính phủ NDA. Tương tự như tất cả các nhà lãnh đạo nổi bật khác trong đảng, ông là một chính trị gia có quan điểm kiên định về những vấn đề có tầm quan trọng quốc gia và là một nhà hùng biện xuất sắc.

Với việc lựa chọn được những người đứng đầu và những lãnh đạo chủ chốt phù hợp, có năng lực và phẩm chất ưu tú nhất, đưa ra được những đường lối và chính sách đúng đắn, BJP từ một đảng yếu thế hơn nhiều so với Đảng Quốc đại đã giành được chiến thắng và trở thành Đảng cầm quyền tại Ấn Độ vào năm 2014.

2. Một số đề xuất cho Việt Nam

Từ kinh nghiệm của hai chính đảng lớn nhất tại Ấn Độ, có thể rút ra một số đề xuất cho Việt Nam, bao gồm:

-  Cần có sự phân cấp rõ ràng trong cơ cấu của Đảng để tạo nên một cơ chế vận hành vừa chặt chẽ vừa linh hoạt, đồng thời tăng cường tính khoa học, minh bạch và hợp lý của các cuộc bầu cử trong nội bộ đảng.

- Cần chú ý bổ nhiệm lãnh đạo là những người thật sự có năng lực chứ không dựa vào gia thế và hoàn cảnh xuất thân. Hiện tượng “gia đình trị” là truyền thống của Đảng Quốc đại (Ấn Độ) nhưng rõ ràng gây ra những mâu thuẫn trong nội bộ Đảng.

- Không nên giao cho một cá nhân đảm nhiệm cả hai vị trí: đứng đầu đảng cầm quyền và đứng đầu chính phủ vì sẽ tạo nên sự tập trung quyền lực cao, có thể làm giảm đi tính minh bạch và tính dân chủ trong các quyết định điều hành đất nước.

- Tránh hiện tượng mâu thuẫn nội bộ vì các lý do cá nhân, làm ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết và tính kỷ luật trong đảng./.

 

[1] https://www.britannica.com/topic/Indian-National-Congress

[2] Ramachandra Guha, (2014) The past and future of the Congress party, Hindustan Times http://www.hindustantimes.com/columns/the-past-and-future-of-the-congress-party/story-8VVK9lgBYeOG0IWsMDXKiJ.html


PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn