Cũng tại Hội nghị này một Ban công tác đã được thành lập làm nhiệm vụ giám sát và củng cố quan hệ hợp tác. Từ đó đối thoại chiến lược hợp tác kinh tế thương mại giữa hai phía ngày càng nở rộ, phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, làm cho hợp tác giao thương ngày càng gia tăng tính khu vực hóa và quốc tế hóa, liên kết hoạt động sản xuất kinh doanh - từ việc tiếp cận các yếu tố đầu vào (vật tư, nguyên liệu, vốn, máy móc, công nghệ, nhân lực,…), đến quá trình đổi mới bộ máy tổ chức, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh để bảo đảm làm ra các mặt hàng chất lượng cao, giá thành hạ, kiểu dáng mẫu mã đẹp, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Trên tinh thần đó, đầu năm 2000, ba nước Argentina, Brazil, và Mexico đã ký hiệp định thương mại song phương với EU nhằm thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ thương mại giữa EU và khu vực Mỹ Latinh.
Brazil
Năm 1999, Brazil và EU bắt đầu khởi động các cuộc đàm phán tự do thương mại song phương. Năm 2007, hai bên đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Hiện EU là một trong những đối tác thương mại lớn của Brazil. Trong số những nước có môi trường hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư của EU, thì Brazil thuộc loại hàng đầu vì có chính sách đầu tư thông thoáng, như xóa bỏ hạn ngạch đầu tư vào các lĩnh vực trước bị hạn chế, hay thuộc độc quyền nhà nước, tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp, mở rộng quyền hạn và nghĩa vụ cho các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp này. Đó là chưa kể Brazil có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhân lực dồi dào, giá nhân công hấp dẫn các chủ doanh nghiệp.
Sau suy thoái kinh tế toàn cầu (2008-2009), với chủ trương đa phương hóa các quan hệ thương mại và đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu nhằm bảo đảm kinh tế phát triển ổn định, Brazil hợp tác liên doanh với EU trong nhiều lĩnh vực nổi trội, nhất là lĩnh vực chế tạo ô tô, sản xuất thiết bị công nghệ cao, các mặt hàng gia dụng lâu bền, thiết bị truyền dẫn, bảo vệ môi trường và bán cho EU các mặt hàng nông sản, hoa quả nhiệt đới, nhất là cồn ethanol.
Trong thời gian qua, đường cáp ngầm xuyên đại dương nối liền EU và Brazil qua hải phận của Mỹ bị trục trặc nên đã ảnh hưởng xấu đến quan hệ thương mại giữa EU và Brazil, khiến trao đổi hàng hóa thương mại có chiều hướng giảm sút. Để phát triển kinh tế ổn định, giao lưu hàng hóa giữa hai phía trở lại bình thường, trong cuộc đàm phán nhằm củng cố quan hệ thương mại vào tháng 2/2014, Brazil và EU đã thỏa thuận xây dựng đường cáp ngầm mới xuyên đại dương, nối liền EU và Mỹ Latinh không qua lãnh hải Mỹ, dài hơn đường cũ nhưng an toàn hơn và tốn kém hơn - trị giá khoảng 185 triệu USD, bắt đầu khởi công xây dựng vào mùa hè năm 2014 và sẽ hoàn kết vào cuối năm 2016. Người ta hy vọng rằng, sau khi cáp ngầm này đi vào hoạt động thì giao thương hàng hóa giữa EU và Brazil trở lại quỹ đạo hoạt động bình thường.
Argentina
Sau khi hiệp định khung giữa EU và MERCOSUR ra đời vào năm 1995, Argentina là nước đầu tiên ở khu vực Mỹ Latinh thiết lập quan hệ đối tác với EU. Hiện tại Argentina là thị trường lớn thứ hai trong MERCOSUR tiêu thụ hàng của EU sau Brazil. Còn EU cũng là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Argentina, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước này. Trong tổng FDI vào Argentina năm 2014 là 65,2 triệu USD, thì phần của EU chiếm khoảng 45%.
Argentina xuất khẩu sang EU gồm các sản phẩm nông nghiệp, các loại nguyên liệu vật tự, nhiều nhất là cồn ethanol và nhập của EU các sản phẩm công nghiệp máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị vận tải, sản phẩm hóa học và thiết bị lọc nước, bảo vệ môi trường,… Trong thời gian qua Argentina là một trong số các nước sản xuất và xuất khẩu nhiều cồn ethanol nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu loại nhiên liệu bảo vệ môi trường này năm 2012 đạt khoảng 2,1 tỷ USD, trong đó phần lớn (1,9 tỷ USD) là xuất khẩu sang các nước EU. Nước nhập cồn ethanol nhiều nhất của Argentina ở EU là Tây Ban Nha, tiếp đến Italy và Hà Lan. Ở khu vực Mỹ Latinh, nước nhập khẩu nhiều mặt hàng này của Argentina là Peru.
Hiện nay, quan hệ thương mại giữa EU và Argentina đang gặp phải một số vấn đề căng thẳng, do từ năm 2013 EU đã tăng thuế nhập khẩu cồn ethanol nhằm bảo vệ các nhà sản xuất của EU. Điều này làm những nước bán cồn ethanol cho EU đều bị giảm sút, trong đó tổn hại nhiều nhất là Argentina, vì thế Argentina đã phát đơn kiện EU gửi tới WTO nhờ giải quyết để bảo đảm tự do thương mại quốc tế.
Sự cố này làm nhiều người lo ngại rằng, khả năng thiết lập vùng mậu dịch tự do giữa EU và Argentina có thể bị ảnh hưởng vì hiện nay quan hệ giao thương giữa hai phía vẫn nằm trong khuôn khổ Hiệp định khung thế hệ thứ tư được ký giữa EU và MERCOSUR.
Mexico
Từ năm 2008, Mexico là một trong những đối tác chiến lược quan trọng của EU. Giá trị xuất khẩu của EU tới Mexico năm 2014 đạt 34.243 tỷ USD. Còn đối với Mexico hiện nay thì EU là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Mỹ và Canada. Theo số liệu thống kê, sau khi Mexico gia nhập NAFTA, Mỹ là thị trường chủ yếu của Mexico, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Mexico hàng năm. Tuy nhiên, từ khi hiệp định thương mại song phương EU và Mexico đi vào hoạt động, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa EU và Mexico đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2014, xuất khẩu của Mexico sang EU đã lên tới 33.656 tỷ USD.
Mặc dù luôn coi Mexico là đối tác thương mại quan trọng của mình, nhưng EU vẫn tiếp tục mở rộng tăng cường đối thoại chính trị - kinh tế với các nước công nghiệp mới khác ở Mỹ Latinh. Điều này đã làm cho Mexico phải thực hiện chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ thương mại để hàng hóa Mexico không bị phụ thuộc vào thị trường EU. Vì thế Mexico đã ký hiệp định thương mại song phương với nhiều nước khác như Trung Quốc, Colombia và Brazil.
Trong giai đoạn vừa qua, nhiều hàng hóa nhất là máy móc, thiết bị công nghệ cao của EU nhập khẩu vào Mexico đã làm nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa của Mexico. Chính vì vậy, Chính phủ Mexico vẫn luôn coi trọng, tăng cường và mở rộng hợp tác kinh tế với các nước EU.