Quan hệ Mỹ - Cuba được bình thường hóa đã mở ra những triển vọng phát triển không chỉ cho hai nước, mà còn tác động đến xu hướng chính trị của các nước trong khu vực Mỹ Latinh.
Đối với Mỹ
Mỹ có thể giành lấy các lợi ích về kinh tế và chính trị từ việc hai nước bình thường hóa quan hệ. Quan hệ Mỹ - Cuba ấm lên, các biện pháp cấm vận với Cuba được giảm nhẹ sẽ tạo nhiều cơ hội làm ăn cho các cá nhân và doanh nghiệp của Mỹ. Những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất là: du lịch, nông nghiệp, hàng không, và ô tô.
Về du lịch: Cuba sẽ trở thành một điểm đến mới cho người Mỹ, họ có thể sử dụng thẻ tín dụng ở địa phương, ngân hàng của Mỹ có thể mở tài khoản trong cơ quan tài chính Cuba. Hầu như các khách sạn ở Cuba hiện nay đều do châu Âu, hay các công ty khách sạn Nam Mỹ xây dựng, nhưng từ đây các tập đoàn khách sạn lớn của Mỹ như Hilton, Marriott và Starwood sẽ hướng đầu tư đến các mảnh đất đắc địa tại Cuba. Theo đó, xuất khẩu của doanh nghiệp Mỹ sang các địa phương ở Cuba cũng trở nên dễ dàng hơn.
Về lĩnh vực hàng không: Trước khi cắt đứt quan hệ ngoại giao, Eastern và Pan Am là các hãng hàng không có những chuyến bay giữa Mỹ và Cuba. Và khi người Mỹ được phép tới Cuba, sẽ có một cuộc chạy đua trở thành hãng hàng không chính, chuyên cung cấp các chuyến bay tới La Habana. Delta Airlines và American Airlines sẽ là hai đối thủ chính.
Về ngành sản xuất ô tô: Người Cuba hiện đang sử dụng những ô tô cũ, được sản xuất từ trước những năm 1960. Người Cuba bị hạn chế nghiêm ngặt về ô tô, họ chỉ có thể mua ô tô từ một công ty duy nhất do Chính phủ lựa chọn. Khi Cuba loại bỏ quy định này, thị trường mới sẽ mở ra cho các nhà sản xuất ô tô của Mỹ.
Về nông nghiệp: Hiện Cuba nhập khẩu 60 - 65% lương thực phục vụ nhu cầu trong nước mặc dù đây là đất nước có tiềm năng lớn về nông nghiệp. Việc Mỹ - Cuba cải thiện quan hệ sẽ giúp Mỹ có thêm một thị trường rộng lớn cho ngành xuất khẩu nông sản.
Ngoài những lợi ích kinh tế, Mỹ còn xem xét về lợi ích chính trị, quan hệ quốc tế có được từ sự tan băng trong quan hệ Mỹ - Cuba. Lệnh trừng phạt Cuba trong nhiều năm của Mỹ đã không chỉ khiến hai bên và các nước Mỹ Latinh chịu ảnh hưởng, mà còn làm tổn hại đến lợi ích các đồng minh của Mỹ. Các đạo luật Torricelli (1992) và Helms-Burton (1996) của Hoa Kỳ đã quy định các biện pháp trừng phạt đối với bất cứ tổ chức, cá nhân nước ngoài nào tiến hành trao đổi thương mại với Cuba hoặc đầu tư vào hòn đảo này. Điều này đã gây nên sự bất bình của nhiều nước phương Tây khác đối với Mỹ khi muốn quan hệ hợp tác với Cuba. Chính vì thế, thông qua bình thường hóa quan hệ với Cuba, Mỹ kỳ vọng sẽ khôi phục vị thế ảnh hưởng địa - chính trị đối với toàn khu vực, trong đó có các đồng minh chủ chốt.
Đối với Cuba
Với vị trí địa lý ngay sát Mỹ, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ giúp kinh tế Cuba có nhiều hy vọng phát triển mạnh mẽ.
Chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba trong nhiều năm qua đã gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt đối với Cuba, nhất là kinh tế. Theo thống kê của Chính phủ Cuba, hơn nửa thế kỷ cấm vận của Mỹ đã khiến nền kinh tế Cuba thiệt hại khoảng 1.126 tỷ USD.
Ngay sau khi đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ song phương, Bộ Tài chính Mỹ thông báo sẽ sửa đổi các lệnh trừng phạt tài chính đối với Cuba. Theo đó, Mỹ sẽ gỡ bỏ các hạn chế đối với Cuba trong các lĩnh vực như kiều hối, quá cảnh, hoạt động ngân hàng hai chiều, điều này sẽ là bước đà cho nền kinh tế Cuba.
Đối với những người Mỹ gốc Cuba thì từ nay họ có thể sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ tại Cuba. Họ cũng có thể được gửi tới 2 nghìn USD/năm cho người thân ở Cuba. Kiều hối từ Mỹ là một nguồn thu nhập lớn cho nhiều gia đình Cuba.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy cải cách trong nước, cải cách kinh tế của Cuba đã và đang bước vào giai đoạn khó khăn, vì thế quan hệ Mỹ - Cuba được cải thiện sẽ là kênh quan trọng giúp Cuba có thể có được viện trợ về nguồn vốn, công nghệ và năng lượng. Điển hình như ngành nông nghiệp Cuba cũng sẽ được phục hồi và phát triển mạnh mẽ nếu như lệnh cấm bán thiết bị nông nghiệp và thiết bị trừ sâu của Mỹ được dỡ bỏ
Đối với xu hướng chính trị tại Mỹ Latinh
Quan hệ Mỹ và Cuba ấm dần lên đã thể hiện sự thay đổi trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Trong nhiều năm qua, Mỹ Latinh luôn được coi là "sân sau" của Mỹ. Sự trỗi dậy về kinh tế của Mỹ Latinh những năm 90 của thế kỷ XX, và địa vị quốc tế được nâng cao, ý thức cùng vươn lên của Mỹ Latinh dần nảy sinh, và làn sóng phản đối Mỹ cũng dần lan ra toàn khu vực. Theo đó, nhiều nước Mỹ Latinh đã đi theo hướng cánh tả, nhất là cánh tả ôn hòa, như: Brazil, Argentina, hay chính phủ cánh tả cấp tiến ở Venezuela, làm cho vai trò chủ đạo của Washington đối với khu vực này bị suy giảm đáng kể. Trong khi đó, Cuba không chỉ là nước xã hội chủ nghĩa duy nhất ở Tây bán cầu, mà còn là một trong những ngọn cờ đầu của phong trào cánh tả Mỹ Latinh, nên có uy tín và quan hệ mật thiết với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền, chính sách của Mỹ đối với Cuba đã có những bước tiến rõ rệt, và việc bình thường hóa quan hệ với Cuba đã phát đi tín hiệu rõ ràng thân thiện với các nước Mỹ Latinh, và thể hiện được ý đồ giành lại niềm tin từ Mỹ Latinh của Mỹ. Trong tương lai, Mỹ có thể lấy quan hệ với Cuba làm cơ hội, lấy quan hệ Mỹ - Brazil làm bước đột phá, tăng cường đầu tư kinh tế và coi trọng ngoại giao đối với Mỹ Latinh, giành lại quyền chủ đạo và giảm gần sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực.
Có thể nói, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba là một trong những bằng chứng thể hiện mục tiêu "thay đổi nước Mỹ" của Tổng thống Obama. Sự kiện mang tính lịch sử này đã nhận được sự hoan nghênh của nhân dân hai nước và cả cộng đồng quốc tế.