Câu hỏi thứ nhất là: Làm cách nào để Chính phủ Mỹ trao cơ hội bình đẳng và đảm bảo tài chính cho tất cả mọi người trong bối cảnh kinh tế mới hiện nay?
Tổng thống Obama khẳng định, trong 7 năm qua, chính quyền Mỹ đã có những bước tiến nhất định trong việc đạt được mục tiêu là một nền kinh tế phát triển và có lợi hơn cho tất cả mọi người. Nước Mỹ hiện nay đang có nền kinh tế mạnh, và ổn định nhất trên thế giới. Hơn 14 triệu việc làm đã tạo ra trong thời gian vừa qua và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm một nửa. Cùng với những thành tựu đó, Mỹ vẫn cắt giảm được gần 3/4 lượng thâm hụt ngân sách.
Tổng thống Obama cho rằng lý do khiến người Mỹ thấy bất an thời gian qua là do nền kinh tế Mỹ đang thay đổi một cách sâu sắc, khi công nghệ có thể được ứng dụng để thay thế con người và do tính chất toàn cầu hóa. Hệ quả là, người lao động sẽ ít được các công ty quan tâm và tất cả những xu thế đó đã khiến người lao động bị dồn ép, ngay cả khi họ có việc làm hay ngay cả khi nền kinh tế đang tăng trưởng.
Chính vì thế càng cần thiết nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hơn nữa. Với tinh thần "Không để bất kỳ đứa trẻ nào bị tụt hậu" (No Child Left Behind), thời gian qua nước Mỹ đã tăng số lượng những trung tâm giáo dục trẻ nhỏ, tăng tỷ lệ tốt nghiệp cấp ba lên mức cao nhất từ trước đến nay, và tăng số lượng sinh viên tốt nghiệp ở các ngành nghề như kỹ sư.
Trong những năm tới, Mỹ cần tiếp nối những bước tiến ấy, bằng việc trao cơ hội được học mẫu giáo cho tất cả các em nhỏ, tuyển thêm nhiều giáo viên giỏi và phải làm sao để mỗi người dân Mỹ đều có đủ điều kiện học đại học. Tổng thống Obama đã đề nghị miễn phí hoàn toàn hai năm cao đẳng cộng đồng cho mỗi sinh viên và ông khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ để dự luật này được thông qua trong năm nay.
Câu hỏi thứ hai là: Làm cách nào để Mỹ có thể tận dụng công nghệ, thay vì để nó gây ảnh hưởng tiêu cực tới chính mình - nhất là trong việc giải quyết những thách thức cấp bách như biến đổi khí hậu?
7 năm trước, Mỹ đã hướng tới việc đầu tư vào năng lượng sạch với quy mô lớn nhất trong lịch sử. Kết quả là trên các đồng ruộng trải dài từ Iowa tới Texas, năng lượng gió đang có giá rẻ hơn các nguồn năng lượng truyền thống; Trên những mái nhà xuyên suốt từ Arizona sang New York, năng lượng mặt trời đang tiết kiệm cho người Mỹ hàng chục triệu USD chi phí năng lượng mỗi năm, và tạo nhiều công ăn việc làm hơn, với thu nhập cao hơn mức trung bình so với ngành công nghiệp khai thác than.
Nước Mỹ cũng đã cắt giảm gần 60% lượng dầu mỏ nhập khẩu, cắt giảm lượng ô nhiễm carbon nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Điều này đã giúp làm giảm bớt những tác động tiêu cực đến môi trường của nước Mỹ, cũng như trên toàn thế giới. Chính vì vậy, Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thay đổi và quản lý nguồn năng lượng một các hiệu quả hơn trong tương lai.
Câu hỏi thứ ba là: Làm cách nào để đảm bảo an toàn cho nước Mỹ, và lãnh đạo thế giới mà không trở thành "cảnh sát" của nhân loại?
Nước Mỹ có trách nhiệm thiết lập lại trật tự thế giới và phải đặt ra những ưu tiên như: Bảo vệ người Mỹ, và truy quét các mạng lưới khủng bố đe dọa đến nước Mỹ trên toàn cầu.
Trong hơn một năm qua, Mỹ đã dẫn đầu một liên quân 60 quốc gia với mục tiêu cắt đứt nguồn tài chính, phá vỡ các âm mưu khủng bố cực đoan và dập tắt hệ tư tưởng bệnh hoạn của IS. Với gần 10.000 đợt không kích đã khiến nhiều thủ lĩnh khủng bố, nhiều nguồn dầu khí, các trại huấn luyện và vũ khí của các tổ chức khủng bố bị tiêu diệt.
Tổng thống Obama khẳng định: Mỹ luôn hành động, để bảo vệ người dân và đồng minh của Mỹ, nhưng trong các vấn đề mang tính toàn cầu, Mỹ sẽ huy động cả thế giới cùng hợp tác, để mỗi nước hoàn thành phần trách nhiệm của riêng mình.
Đó cũng là cách mà Chính phủ Mỹ tiếp cận các cuộc giao tranh tại Syria hiện nay, hay như ngăn chặn Ebola lây lan ở Tây Phi. Thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hay như việc bình thường quan hệ với Cuba.
Vị thế lãnh đạo của nước Mỹ trong thế kỷ XXI không phải một sự lựa chọn giữa một là bỏ mặc phần còn lại của thế giới - trừ việc tiêu diệt khủng bố - với hai là "đập đi xây lại" bất kỳ xã hội nào gặp vấn đề. Sự lãnh đạo phải là kết hợp của việc áp dụng hợp lý sức mạnh quân sự, và kêu gọi thế giới ủng hộ những mục tiêu đúng đắn. Thế giới tôn trọng Mỹ không phải vì kho vũ khí Mỹ sở hữu, mà là vì sự tôn trọng Mỹ dành cho mọi sắc tộc, cũng như sự cởi mở chấp nhận mọi tôn giáo.
Và câu hỏi cuối cùng là: Làm cách nào Mỹ thay đổi cách làm chính trị để thể hiện những gì tốt đẹp nhất của nước Mỹ, thay vì phơi bày ra những gì xấu nhất?
Cải thiện hệ thống chính trị không có nghĩa là phải nhất trí trong mọi quan điểm. Mỹ là nước lớn, với nhiều khu vực, nhiều cách suy nghĩ, nhiều lợi ích riêng. Đây cũng là một thế mạnh của Mỹ.
Vậy nên, "dù đức tin của bạn là gì, dù bạn theo đảng này hay đảng khác, hay không theo đảng nào, thì tương lai của nước Mỹ phụ thuộc vào việc bạn có sẵn sàng thực hiện bổn phận của một công dân hay không".
Không dễ để làm được điều đó trong nền dân chủ hiện nay. Nhưng ông Obama khẳng định: "tôi xin hứa với các bạn rằng ngày này năm sau, khi tôi không còn giữ chức Tổng thống, tôi sẽ sát cánh bên các bạn với tư cách một công dân Mỹ - một người đã lấy cảm hứng từ những tiếng nói của sự bình đẳng, của tầm nhìn, của lòng cản đảm, của khiếu hài hước, và của lòng vị tha, những tiếng nói đã giúp nước Mỹ có được như ngày hôm nay"