Thực tiễn 35 năm đổi mới đã khẳng định bước tiến quan trọng trong quá trình nhận thức về vai trò của sở hữu và các thành phần kinh tế qua những đóng góp đối với phát triển nền kinh tế quốc dân. Từ chỗ dựa trên loại hình sở hữu công hữu với hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể, đến thừa nhận đa hình thức sở hữu, tồn tại khách quan nền kinh tế nhiều thành phần và thừa nhận tất cả các thành phần kinh tế là những bộ phận cấu thành của nền KTTT định hướng XHCN, các thành phần kinh tế đều được bình đẳng trước pháp luật.
Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH được Đại hội IX (năm 2001) khái quát là KTTT định hướng XHCN, từng bước được bổ sung, phát triển qua các kỳ đại hội của Đảng.
Đại hội X (năm 2006) chỉ rõ: Trên cơ sở ba chế độ sở hữu (toàn dân, tập thể, tư nhân), hình thành nhiều hình thức sở hữu và “các thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân), kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài”[1].
Đại hội XI của Đảng có những khái quát mới về lý luận “Phát triển nền KTTT định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”[2]. Đây là bước phát triển mới trong nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và được nêu cụ thể: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Các hình thức sở hữu hỗn hợp và đan kết với nhau hình thành các tổ chức kinh tế đa dạng ngày càng phát triển”.
Đại hội XII của Đảng đã chỉ ra những nội hàm cơ bản của nền KTTT định hướng XHCN là “nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4); “có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật;....”[3].
Định hướng XHCN của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Đến Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung, phát triển một số quan điểm mới về nền KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam[4]:
Một là, Đại hội XIII tiếp tục thống nhất và nâng cao nhận thức về KTTT định hướng XHCN. Trên cơ sở nêu rõ ngay từ đầu nội hàm của KTTT định hướng XHCN của nước ta, đã nhấn mạnh những nội dung quan trọng của nội hàm này. Trong đó, vai trò, vị trí, chức năng của các thành phần kinh tế được xác định rõ hơn:
(1) Kinh tế nhà nước được khẳng định là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là đặc điểm, đặc trưng khác biệt, tiến bộ của KTTT định hướng XHCN.
(2) Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã.
(3) Kinh tế tư nhân được khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế và được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hỗ trợ thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.
(4) Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Hai là, nêu rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội. Điểm mới nổi bật chính là trong mối quan hệ này bổ sung thêm nhân tố xã hội. Trong đó cũng nêu rõ vai trò của Nhà nước, thị trường và xã hội trong mối quan hệ chung. Nhà nước thực hiện chức năng xây dựng và quản lý thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực phát triển theo cơ chế thị trường. Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo hướng chuyển giao những công việc Nhà nước không nhất thiết phải làm cho các tổ chức xã hội. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong thực thi pháp luật, công vụ.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế KTTT nói chung, tập trung vào tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển KTTT của nước ta và nâng cao chất lượng thể chế. Cụ thể là hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế KTTT định hướng XHCN, giải quyết tốt hơn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đáp ứng yêu cầu phát triển mới, đặc biệt là tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển.
Bốn là, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Điểm mới nổi bật ở nội dung này là xác định rõ mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Thực tiễn đã khẳng định mở cửa, hội nhập quốc tế, trong đó, hội nhập kinh tế quốc tế đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được. Mặt khác, chính mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng đã tạo ra áp lực để Việt Nam đổi mới thành công. Đồng thời, quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế đã đặt ra yêu cầu cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, qua các cuộc khủng hoảng hoặc những biến động của thế giới đã cho thấy, để hội nhập thành công phải có nội lực mạnh, đồng thời phải đa phương hóa, đa dạng hóa các đối tác, các thị trường để tránh những rủi ro và lệ thuộc. Vì vậy, phải nâng cao năng lực nội tại nền kinh tế quốc dân mới có thể hội nhập thành công, tránh lệ thuộc vào một đối tác, một thị trường.
Đây cũng chính là những nội dung cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9 tháng 10 năm 2014 của Bộ Chính trị về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXb CTQG-ST, Hà Nội