VÀI NÉT VỀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG HOA KỲ

01/11/2016

Hoa Kỳ, còn gọi là Liên bang Mỹ, là một cộng hòa lập hiến liên bang gồm 50 tiểu bang và một đặc khu liên bang. Chính quyền Hoa Kỳ thường được phân chia thành chính quyền Liên bang, chính quyền tiểu bang và chính quyền địa phương.

Cơ cấu tổ chức

 

Tại Hoa Kỳ, thuật ngữ chính quyền địa phương (CQĐP) được hiểu là cấp chính quyền dưới tiểu bang. Hiến pháp của mỗi bang quy định việc thành lập các thực thể chính quyền địa phương. 3 dạng chính của CQĐP là : (i)chính quyền hạt (cấp ngay dưới tiểu bang - county); (ii) chính quyền thành phố; (iii) các thị trấn và làng xã; tuy nhiên một số bang cũng quy định các kiểu chính quyền địa phương khác, bao gồm các phường, các khu vực trường học, các khu bảo tồn, các thị trấn và các cơ quan phụ trách vận tải.

 

Số lượng chính quyền ở Mỹ 

Loại chính quyền Số lượng
Liên bang (federal state) 1
Tiểu bang (state) 50
Hạt (county) 3041
Thành phố (city) 19076
Thị trấn và làng (townships and villages) 16734
Đặc khu trường học (shool districts) 14851
Các Đặc khu khác (Other special districts) 28588

Nguồn: Lowi, USIA.

 

Các CQĐP đềucó cơ quan đề ra các luật lệ, cơ quan hành chính và cơ quan thuế được quy định trong hiến pháp hoặc trong luật của bang.

 

- Chính quyền hạt: Hầu hết các bang đều được chia thành các hạt. Các hạt ở Hoa Kỳ đều có 1 thị trấn hay 1 thành phố được quy định là trung tâm của hạt, nơi đóng trụ sở của các cơ quan chính quyền và là địa điểm hội họp của các ủy viên ủy ban và các giám sát viên. Các hạt do các quan chức được dân bầu ra cai quản. Điển hình là có một ban các giám sát viên hoặc một ủy ban của hạt, ủy ban này đề ra chính sách và thường thì cũng thực hiện cả chức năng hành pháp. Các chức vụ được bầu khác của hạt ngoài những chức vụ khác có thể còn có quận trưởng cảnh sát, thẩm phán, thẩm phán hòa giải, kiểm tra y tế, trưởng ban quản trị, hội thẩm viên hoặc công tố viên. Ngoài những quan chức được bầu này, nhiều hạt còn có người quản trị chuyên nghiệp được thuê để quản lý các hoạt động chung của chính quyền hạt.

 

- Chính quyền thành phố: Với mức độ đô thị hoá cao, chính quyền thành phố có thể được coi là hình thức chính quyền địa phương quan trọng nhất. Chính quyền thành phố có 3 hình thức chính:

 

1) Thị trưởng - hội đồng (mayor-council): thị trưởng được bầu trực tiếp và đứng đầu hành pháp, hội đồng được bầu như là cơ quan lập pháp. Thị trưởng có quyền bổ nhiệm các viên chức thuộc về các cơ quan hành pháp (các phòng, ban, sở); hội đồng chủ yếu làm công việc lập pháp: thông qua các qui định, pháp lệnh, ngân sách, thuế suất của địa phương.

 

2) Uỷ ban (commission): hình thức này kết hợp cả hành pháp lẫn lập pháp vào một nhóm người, tức là uỷ ban, được bầu trực tiếp.  Mỗi uỷ viên cũng đồng thời chịu trách nhiệm một đơn vị hành pháp (sở, hay ban, phòng).  Người đứng đầu uỷ ban tuy thường được gọi là thị trưởng nhưng không có thực quyền lớn hơn so với các uỷ viên khác và vì vậy khác hẳn các thị trưởng trong mô hình thị trưởng-hội đồng.

 

3) Thuê giám đốc (city manager): với hình thức này, người dân bầu ra hội đồng thành phố. Hội đồng này sẽ chỉ hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách. Việc quản lý và thi hành chính sách được giao cho một nhà quản lý chuyên nghiệp, tương tự như mô hình của các công ty. Thông thường nhà quản lý này không có nhiệm kỳ (vì là được thuê) và chủ yếu phải thể hiện khả năng điều hành quản lý của mình nếu vẫn muốn tiếp tục được thuê.

 

- Chính quyền làng xã và thị trấn: thường được giao phó cho một ban hay hội đồng dân cử, có thể được gọi với nhiều tên khác nhau. Hội đồng có thể có chủ tịch hay người đứng đầu có chức năng như một quan chức điều hành chính, hoặc có thể là một thị trưởng dân cử. Chính quyền làng xã và thị trấn giải quyết những nhu cầu mang tính địa phương hạn hẹp, như lát đường và chiếu sáng đường phố; đảm bảo cung cấp nước; cung cấp lực lượng cảnh sát và phương tiện phòng cháy chữa cháy; thiết lập các quy chế y tế địa phương; bố trí các bãi chứa rác và các chất  phế thải khác, hệ thống cống rãnh; thu thuế địa phương để hỗ trợ các hoạt động của chính quyền; hợp tác với bang và hạt trong việc trực tiếp quản lý hệ thống trường học địa phương.

 

Một số cải cách trong thời gian gần đây

 

Cải cách về mô hình hoạt động: trong quá trình hoạt động, chính quyền địa phương Hoa Kỳ đã có những cải cách để phù hợp với tình hình mới. Chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ đã tự chuyển mình một cách hữu hiệu sang mô hình chính quyền với tinh thần doanh nghiệp. Mô hình này đang phát triển mạnh trong những năm gần đây với phong trào đổi mới hoạt động của chính phủ theo hướng doanh nghiệp bằng cách thuê một nhà quản lý chuyên nghiệp để quản lý và thi hành chính sách do hội đồng thành phố lập ra. Khảo sát thực tế cho thấy rất nhiều thị trấn và thành phố được điều hành như là một doanh nghiệp và cũng có địa vị pháp luật tương tự như một doanh nghiệp (Ví dụ các thành phố đã doanh nghiệp hoá - incorporated cities - cũng có thể bị phá sản do thu không đủ chi trong nhiều năm).

 

Cải cách về thuế: trong thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, chính quyền địa phương Hoa Kỳ lấy thuế bất động sản là nguồn thu nhập chính. Khi nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ công tăng lên, hầu hết các bang đã áp dụng các loại thuế doanh thu và thuế thu nhập. Cho đến những năm 1990, các khoản thuế doanh thu và thuế thu nhập chiếm hơn 70% thu nhập hàng năm của bang từ thuế. Trên danh nghĩa cuộc “Sáng tạo lại chính quyền” (Reinventing goverment), nhiều dịch vụ địa phương đã được tư hữu hóa, những thỏa thuận lao động mới được thương thảo và phí dịch vụ chính phủ được tăng phù hợp với chi phí thực tế bỏ ra [1].

 

Cải cách về ngân sách: Một trong những cải cách nổi bật về ngân sách trong những năm gần đây của Hoa Kỳ là quy định “ngân sách kiểm soát chi” [2]. Quy định này cho phép ngân sách của chính quyền địa phương được linh hoạt chuyển từ năm trước (nếu còn dư) sang năm sau, thay vì việc bị cắt giảm do không chi hết ngân sách kỳ trước. Chính vì sự linh hoạt của ngân sách như cách làm của một doanh nghiệp, chính quyền địa phương Hoa Kỳ đã hoạt động rất hiệu quả.

 

Cải cách về chính phủ điện tử: trong quá trình cải cách chính quyền địa, người Mỹ đã tiếp cận và thực hiện hiệu quả chính quyền điện tử trong thời gian từ những năm 2000 cho đến nay. Vào những năm 2000, trong số 84% cổng web điện tử của các bang Hoa Kỳ, các dịch vụ công được tổ chức dựa trên những nhu cầu nảy sinh thường xuyên nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Mỹ. Cổng điện tử của Khối thịnh vượng chung bang Virginia cung cấp trang “Tìm kiếm nhanh” (Find it Fast) liên kết tới hơn 35 dịch vụ công được người dân tiếp cận nhiều nhất. Từ trang này, bất cứ ai cũng có thể liên kết trực tiếp với các dịch vụ cấp phép kinh doanh, đặt chỗ công viên và khu cắm trại của Nhà nước, chứng thực khai sinh, ... mà không cần biết tổ chức chính quyền nào giải quyết những yêu cầu đó [3].

 

Cải cách về lập pháp địa phương: Hiến pháp Liên bang Hoa Kỳ quy định: “Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho mỗi bang trong Liên bang này một thể chể chính quyền Cộng hòa”(Khoản 4 Điều 4) [4]; như vậy các bang ở Hoa Kỳ đều có quyền tự do lập hiến. Trong những năm gần đây, các bang đã sử dụng quyền này để đổi mới các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của mình. Nếu như trong nửa đầu thế kỷ 20, cơ quan lập pháp các bang thường họp mỗi năm một lần vào một số ngày lập pháp hạn định và các nhà lập pháp chỉ được trả lương khiêm tốn và không có trợ lý giúp việc, thì từ những năm 1960, nhiều bang đã tổ chức những phiên họp thường niên, tăng lương cho các nhà lập pháp, bổ nhiệm trợ lý chuyên trách, xây dựng trình tự pháp lý có hệ thống hơn. Hai thay đổi lớn về lập pháp bang là: Thứ nhất, nhiều bang đã làm theo “sáng kiến lá phiếu”, theo đó, bằng cách thu thập chữ ký vào một lá đơn kiến nghị, các cử tri có thể trực tiếp nêu vấn đề trong một phiếu kín để được dân chúng bỏ phiếu quyết định ở cuộc bầu cử năm sau. Ít nhất 21 bang có hệ thống lập pháp trực tiếp và nhiều đạo luật quan trọng đã được ban hành theo cách này. Thứ hai, 17 bang có “giới hạn nhiệm kỳ”, theo đó, số năm một người được làm việc trong ngành lập pháp được giới hạn rất chặt chẽ, thường tối đa là tám năm. 16/17 hệ thống giới hạn nhiệm kỳ đã được thông qua bằng thủ tục “sáng kiến lá phiếu” [5].

 

Tóm lại, Công cuộc hiện đại hóa chính quyền, chính trị, tài chính đã trở thành đặc trưng cho chính quyền địa phương Hoa Kỳ, đồng thời tạo ra những đổi thay không những trong hình thức cung cấp dịch vụ công mà còn trong chính hình thức hoạt động của chính quyền đó. Chính quyền địa phương đã đại diện tốt hơn cho cộng đồng mà mình phục vụ, minh bạch hơn trong thực hiện trách nhiệm với cử tri và dễ tiếp cận hơn với công dân.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Ellis Katz, Ibid, pg 19

[2] Ted Gaebler, David Osborne (1997), Đổi mới hoạt động của chính phủ - tinh thần doanh nghiệp đang làm thay đổi khu vực công công cộng như thế nào, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr25.

[3] Sharon Crouch Steidel, Using E-Government, Effects of the Digital Revolution, from State and Local Government: Adapting to Change,  An Electronic Journal of the U.S Department of State, Volume 8, Number 2, October 2003, pg 29

[4] The Constitution of the United States of America with Explanatory Notes (2004), adapted from The World Book Encyclopedia, International Information Program, Department of State of the U.S, pg73.

[5] Ellis Katz, Ibid, pg 13.


Vũ Thị Thúy Nga tổng hợp


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn