Một số đặc điểm tôn giáo Mỹ hiện nay
Mỹ là một trong những quốc gia có nhiều loại tôn giáo nhất thế giới.
Ngoài việc có tất cả các giáo phái tôn giáo lớn trên thế giới, Mỹ còn là đất nước của những nhóm tôn giáo thiểu số với nhiều loại quan điểm, khuynh hướng từ bảo thủ đến cấp tiến, thậm chí là cực đoan. Ở đây, người ta thấy tất cả các tôn giáo thế giới cũng như các tín ngưỡng bản địa cùng chung sống, đó là các Giáo hội Tin lành, Giáo hội Công giáo, Chính Thống giáo, Do Thái giáo, Islam giáo, Ấn Độ giáo, Sikh giáo, Phật giáo, Baha’i giáo, Đạo giáo, tôn giáo tín ngưỡng bản địa của người Indian, các tôn giáo mới,… [1]. Sự đa dạng tôn giáo ở Mỹ là kết quả của quá trình phát triển lịch sử của đất nước này. Mỹ là một nước đa chủng tộc, ở đó, ngoài những người Indian (thổ dân Da đỏ), là những người di cư và hậu duệ của họ thuộc các chủng tộc, dân tộc khác nhau từ các nước châu Âu, châu Á, châu Phi. Họ là những tín đồ của các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau và khi đến Mỹ họ mang theo cả tôn giáo, tín ngưỡng của mình. Quá trình di cư đó diễn ra trong lịch sử và cho đến ngày nay vẫn đang tiếp tục. Chính vì vậy, bức tranh tôn giáo Mỹ ngày càng trở nên đa dạng.
Tuy số lượng các tổ chức tôn giáo rất nhiều, nhưng không có một giáo hội tôn giáo nào được thừa nhận là quốc giáo.
Ở Mỹ có rất nhiều tổ chức tôn giáo cùng hoạt động, cạnh tranh lẫn nhau trong cuộc chiến giành đức tin của người dân Mỹ. Cùng với các giáo hội có tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu tín đồ là các tổ chức tôn giáo nhỏ lẻ tách ra rồi lại sáp nhập trong một dòng chảy liên tục. Cạnh tranh tôn giáo ở Mỹ nằm trong quy luật cạnh tranh văn hóa Mỹ. Ví dụ đầu thế kỷ XXI, trong giáo phái Công giáo của Chicago người ta đã phải đóng cửa 13 giáo xứ, 2 cơ sở truyền giáo, 6 trường công giáo, vì thiếu người và thiếu tiền [2]. Những tín đồ Công giáo này phải gia nhập vào các giáo phái khác, khiến cho tôn giáo ở Mỹ luôn biến động và phức tạp.
Xã hội hiện đại Mỹ có số người theo tôn giáo rất cao.
Theo Hữu Ngọc, có tới 92% dân Mỹ tự nhận là có liên hệ bằng cách này hay cách khác với một tôn giáo nào đó [3]. Theo các cuộc thăm dò ý kiến năm 2014; 70,8% tổng số dân Mỹ nhận họ theo Kitô giáo (trong đó: 46,7% theo Tin Lành; 20,8% theo Công giáo); 1,9% theo Do Thái giáo và 0,9% theo Hồi giáo. Theo một cuộc khảo sát khác; 40% dân số Mỹ nói rằng họ tham dự các buổi lễ gần như mỗi tuần hoặc nhiều hơn, và 58% nói rằng họ cầu nguyện ít nhất mỗi tuần [4]. Chính xã hội Mỹ với cuộc cách mạng hiện đại hóa đã sản sinh ra đội ngũ đông đảo các tín đồ tôn giáo, bổ sung cho các giáo phái của tôn giáo Mỹ. Những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, vấn đề toàn cầu hóa cũng là nguyên nhân và tạo điều kiện cho tôn giáo Mỹ phát triển. Toàn cầu hóa là một bước ngoặt tất yếu trong sự phát triển của xã hội loài người. Tạo ra một không gian lý tưởng cho sự phát triển về mọi mặt nhất là kinh tế. Nhiều tôn giáo ra đời, nhiều tôn giáo mất đi.
Các quy định pháp luật về tự do tôn giáo ở Mỹ
Điều 1 Hiến pháp Mỹ quy định: “Quốc hội sẽ không thông qua đạo luật nào về việc thiết lập một tôn giáo nào đó, hoặc cấm tự do hành giáo”, tất cả đều ngang nhau trước định chế của Liên bang. Về mặt pháp luật, Giáo hội và Chính phủ là hai nhân tố độc lập không thể thay thế trong xã hội nước Mỹ. Về mặt pháp luật hai bên riêng rẽ nhưng không đối lập. Hai bên đều có nhu cầu hợp tác, cơ sở là nhu cầu của xã hội đối với đạo đức và tâm lý của người dân. Luật pháp Mỹ có quy định rõ ràng cấm chỉnh phủ can dự vào tôn giáo, nhưng lại chưa từng có quy định cấm tôn giáo tác động đến lập pháp của chính trị.
Bản Hiến pháp sửa đổi thứ nhất đã xác lập nguyên tắc chính giáo phân ly. Theo nguyên tắc này, Chính phủ Mỹ không có đại diện của tổ chức tôn giáo, trong Quốc hội cũng không dành ghế cho tổ chức tôn giáo, hệ thống tư pháp không hề có quan hệ gì với tổ chức tôn giáo, tài chính quốc gia cũng không gánh vác bất cứ khoản chi tiêu nào liên quan đến tôn giáo.
Năm 1784, Hiến pháp Mỹ được thông qua nhưng vẫn còn thiếu Luật về các quyền (Bill of rights) trong đó cần nếu rõ quyền tự do tôn giáo. Năm 1789, Luật về các quyền (Bills of rights) đã được Quốc hội thông qua tại tất cả các bang của Mỹ và có hiệu lực vào năm 1791. Luật gồm 10 điều về các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn giáo, tách giáo hội khỏi nhà nước, quyền bất khả xâm phạm cá nhân, v.v... Điều về quyền tự do tôn giáo thuộc Luật về các quyền được viết” Quốc hội không được ban hành đạo luật lập ra một tôn giáo nào đó hoặc cấm đoán sự tự do tín ngưỡng của nó”. Điều này quy định rằng ở Mỹ tồn tại nhiều tôn giáo khác nhau, trong đókhông có một tổ chức tôn giáo nào mạnh đến mức có thể giành vị trí thống trị tại Mỹ. Tuy nhiên các điều khoản trong Luật này mới chỉ nêu lên được quyền tự do lựa chọn tôn giáo. Sau khi thông qua sửa đổi lần thứ 14 Hiến pháp Mỹ năm 1868, nêu rõ không một bang nào được ban hành hay tiến hành sửa đổi các điều luật hạn chế đặc quyền và tự do của công dân, thì lúc đó điều khoản sửa đổi lần thứ nhất của Hiến pháp Mỹ mới thực sự trở thành bộ luật chung cho cả nước.
Luật Quyền công dân năm 1964 - Một đạo luật cụ thể hóa các quyền (nói chung), quyền tự do tôn giáo (nói riêng). Đạo luật Quyền công dân năm 1964 được coi là một trong những đạo luật rất quan trọng nhằm cụ thể hóa quyền tự do tôn giáo mà Hiến pháp đã qui định.
Năm 1993, Điều khoản khôi phục tự do tôn giáo được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm thực hiện nghiêm túc các điều luật về tự do tôn giáo, chấn chỉnh lại những điều luật của Liên bang hay của các bang trái với những quy định về tự do thực hành tôn giáo, tự do lựa chọn tôn giáo đã được ghi trong điều khoản sửa đổi của hiến pháp Mỹ lần thứ nhất. Đạo luật Tái phục hồi Tự do Tôn giáo (RFRA), được ban hành năm 1993 bởi tổng thống Bill Clinton, được sự hoan nghênh, ủng hộ của những người ủng hộ tự do tôn giáo, đây là kết quả sau nhiều năm làm việc vất vả và phản ánh cam kết chung về việc bảo vệ tự do tôn giáo tại Mỹ. RFRA tạo ra quyền theo luật định được áp dụng rộng rãi nhằm đảm bảo chính phủ không gây gánh nặng cho việc thực thi tôn giáo mà không có một lý do thuyết phục. Một số người ủng hộ RFRA thể hiện mối quan tâm về việc thực thi trong các bối cảnh cụ thể như sự tương tác của đạo luật này với các quyền dân sự và luật chăm sóc sức khỏe. Số khác lại chỉ trích RFRA đã không thực hiện lời hứa của mình về việc cung cấp đầy đủ bảo vệ cho tự do tôn giáo.
Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 trong nhiệm kỳ thứ hai của chính quyền Clinton. Đạo luật đã chỉ rõ quyền tự do tôn giáo là quyền con người được công nhận trong luật Mỹ và thế giới và thành lập Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế để giám sát, thúc đẩy bảo vệ thực hiện quyền này trên toàn thế giới. Việc thực thi Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế có nhiều kết quả khác nhau và thay đổi theo thời gian. IRFA đã bị chỉ trích là phân định vai trò không cân xứng giữa Kitô giáo và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, có sự bất bình đẳng trong hệ thống chính trị tôn giáo khi thiên vị theo số đông. Một số khác chỉ trích IRPA là một công cụ chính sách ngoại giao thuộc chiến lược của Mỹ, viêc thiết lập chính sách ngoại giao Mỹ bắt đầu đề cập đến sự phức tạp của lĩnh vực tôn giáo trên thế giới mà IRFA tìm cách can thiệp. Tóm lại, kể từ khi được thông qua, IRFA đã trải qua nhiều biến đổi và nhiều lời chỉ trích từ bên trong lẫn bên ngoài [5].
Tôn giáo và bầu cử tổng thống Mỹ
Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, không chỉ các vấn đề kinh tế, việc làm mà còn cả vấn đề tôn giáo cũng ảnh hưởng nhất định tới cuộc tranh giành quyền lực giữa hai đảng tại Mỹ. Trong 44 đời tổng thống Mỹ, chỉ có một người là Công giáo, còn lại là các tín đồ Tin Lành, trong đó có tới 11 người thuộc Giáo hội Episcopal (Giáo hội theo thể chế giám mục) và 10 người thuộc Giáo hội Preshyterian (Giáo hội Trưởng lão). Về mặt hình thức, Nhà nước và Giáo hội tách biệt nhau. Nhưng trên thực tế, Giáo hội luôn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống thể chế, tư tưởng. Khi nhắc đến vai trò của tôn giáo trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012, linh mục Thomas Reese, người thuộc dòng Tên, cựu tổng biên tập nguyệt san “Vatican Insider” cho rằng: dù muốn hay không cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm 2012 phải chịu ảnh hưởng nhiều từ yếu tố tôn giáo”. Các lãnh tụ nước Mỹ, bất luận trình độ, tín ngưỡng của bản thân các vị như thế nào, họ đều hy vọng tôn giáo có thể phát huy tác dụng là nền tảng đạo đức và sức cố kết xã hội. Các chính trị gia Mỹ trong hoạt động tranh cử ai cũng cố gắng giành được sự ủng hộ của tổ chức tôn giáo. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu cộng đồng tôn giáo, hơn 70% đảng viên đảng Cộng Hòa và hơn 50% đảng viên đảng Dân chủ, khi được hỏi đều trả lời rằng ứng cử viên tổng thống phải là người theo tôn giáo. Báo chí của Mỹ cũng thường xuyên thông tin tới độc giả của mình rằng cử tri Mỹ luôn xét đoán các chính sách của giáo hội mà ứng cử viên của họ là tín đồ, các tư tưởng tôn giáo mà giáo hội của họ theo đuổi.
[1] http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/243/0/2134/Van_de_da_nguyen_ton_giao_va_tu_do_ton_giao_trong_xa_hoi_Hoa_Ky
[2]http://gpcantho.com/Bai-Viet-Giao-Phan-Can-Tho-SUY-NI%E1%BB%86M-CH%C3%9AA-NH%E1%BA%ACT-TRUY%E1%BB%80N-GI%C3%81O---29-TN.A-6545.aspx
[3] Hữu Ngọc (2010), Tín ngưỡng và tôn giáo, Nxb Hà Nội
[4] Robert D. Putnam and David E Campbell, American Grace: How Religion Divides and Unites Us
[5] PRF Case Study