Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của GS.TS. Đỗ Hoài Nam, Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Trần Đức Cường, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; GS.TS. Đặng Nguyên Anh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Phan Chí Hiếu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Viện Hàn lâm; TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy Viện Hàn lâm; PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm; các diễn giả của Hội thảo: GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Việt Nam; GS.TS. Phong Lê, Nguyên Viện trưởng Viện Văn học; PGS.TS. Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành; PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Nguyễn Song Tùng, Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn cùng các nhà khoa học nguyên là lãnh đạo, đang là lãnh đạo của các Viện nghiên cứu, các ban chức năng thuộc Viện Hàn lâm; đại diện các nhà khoa học đến từ trường đại học, các viện nghiên cứu, các bộ/ ban/ ngành tại Hà Nội cùng đại diện hơn 10 cơ quan báo đài, truyền hình, thông tấn báo chí đến đưa tin hội thảo.
Diễn đàn tập trung trao đổi, thảo luận, cùng nhìn lại và đánh giá thành tựu 70 năm nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn của Viện Hàn lâm (1953-2023): qua 21 công trình, cụm công trình khoa học của Viện Hàn lâm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 công trình, cụm công trình được trao tặng giải thưởng nhà nước trong thời gian qua, đặc biệt là các công trình/ cụm công trình về lịch sử, văn học, văn hóa, tôn giáo, dân tộc, xã hội, ngôn ngữ, Hán Nôm với các nhà khoa học có tên tuổi danh tiếng của đất nước như GS.VS Nguyễn Khánh Toàn, GS. Trần Huy Liệu, GS. Đặng Thai Mai, GS. Trần Văn Giàu, GS. Vũ Khiêu, GS. Cao Xuân Huy, GS.VS Hồ Tôn Vinh, GS. Đinh Gia Khánh, GS. Nguyễn Đổng Chi, GS. Cao Huy Đỉnh, GS. Đào Duy Anh, GS.VS Phạm Huy Thông, GS. Hà Văn Tấn, GS. Hoàng Xuân Hãn, GS, Nguyễn Văn Huyên, GS. Trần Đức Thảo, Trần Văn Giáp.... và các thế hệ tiếp nối hiện nay Cũng trong 70 năm qua, Viện Hàn lâm có hàng nghìn đầu sách khoa học được xuất bản và hàng vạn, hàng triệu tác phẩm khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế.
Tại buổi hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Châu Mỹ, trình bày tham luận “ Bối cảnh trong nước và quốc tế mới: Cơ hội và thách thức trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn”. Trong bài trình bày của mình, PGS.TS. Nguyễn Xuân Trung đã nêu khái quát về một số nét đặc trung về bối cảnh trong nước và quốc tế mới liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn như xu thế hội nhập trong khoa học trên phạm vi quốc tế; các chương trình tài trợ cho dự án nghiên cứu tăng nhanh; hay sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông giúp cho các kết quả nghiên cứu được lan truyền nhanh chóng… Từ những nét trưng kể trên PGS.TS Nguyễn Xuân Trung rút ra được những cơ hội và thách thức đối với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam trong triển khai những hoạt động cơ bản của mình trong thời gian tới.
Ngoài ra, buổi hội thảo còn có các bài tham luận khác như: “Một số suy nghĩ về khoa học xã hội và Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam” của GS.TS Hồ Sỹ Quý; “70 Năm công việc viết lịch sử văn học Việt Nam kể từ ngày thành lập Ban Văn Sử Địa – năm 1953” của GS.TS Phong Lê; “Khảo cổ học đô thị - vai trò và tầm quan trọng của nó trong nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam” của PGS.TS. Bùi Minh Trí; “Một số thành tựu tiêu biểu trong nghiên cứu khoa học địa lý nhân văn trong quá trình phát triển của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam” của TS. Nguyễn Song Tùng.
Từ việc nhìn nhận lại những thành tựu của Viện Hàn lâm, Phó Chủ tịch nhấn mạnh một số bài học sâu sắc cần rút ra: cần đầu tư mạnh hơn nữa cho đội ngũ nghiên cứu kế cận, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp họ có thêm nhiều động lực trong nghiên cứu và cống hiến cho Viện Hàn lâm và cho đất nước. Để vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được các mục tiêu phát triển, các cán bộ, viên chức và người lao động Viện Hàn lâm cần tiếp tục không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên, đoàn kết, chung sức, đồng lòng xây dựng Viện Hàn lâm trở thành một tổ chức nghiên cứu uy tín có tầm cỡ khu vực và thế giới, xứng đáng với truyền thống 70 năm vẻ vang mà các thế hệ tiền nhiệm đã dày công xây dựng và vun đắp.