Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 25 năm hợp tác và phát triển

02/07/2020

Ngày 1/7, tại Hội trường 3D, trụ sở 1A, Liễu Giai, Viện nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế tổ chức hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 25 năm hợp tác và phát triển” nhằm góp phần đánh giá, phân tích sự phát triển và xu thế phát triển quan hệ 2 nước trong những năm sắp tới.

Hội thảo vinh dự được đón tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm; PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; TS. Nguyễn Mạnh Hùng,  Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế; Đại diện các Đại sứ quán Hàn Quốc, Singapore… cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, học giả có mối quan tâm đến sự kiện trọng đại này.

 

Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của nhân dân Mỹ đang phải chống chọi lại sự hoành hành của virus SARS-CoV-2, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết: Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã trải qua những giai đoạn thăng trầm đầy khó khăn và đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Hai nước đang theo đuổi mối quan hệ đối tác toàn diện. Trên nền tảng này, quan hệ song phương đã có bước phát triển trên nhiều lĩnh vực như: Ngoại giao, kinh tế, quốc phòng và văn hóa. 



Những năm gần đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều chuyến thăm cấp nhà nước giữa hai quốc gia cũng như các chuyến thăm cấp cao của hai bên. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang gia tăng nhanh, với tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm trong một thập kỷ gần đây. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2019 đạt mức 75,6 tỷ USD - mức rất cao nếu so với con số 450 triệu USD vào thời điểm hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao…

 

Hoa Kỳ đã tích cực hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực lực lượng cảnh sát biển, hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Việt Nam. Việt Nam, Hoa Kỳ cùng các nước tích cực hợp tác duy trì tự do hàng hải và thực thi Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc UNCLOS 1982 tại khu vực Biển Đông. Hoa Kỳ cũng tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc chống lại biến đổi khí hậu, nước biển dâng và nhiều chương trình y tế và sức khỏe tại Việt Nam.


Thế giới đang bước vào giai đoạn thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế. Việt Nam và Hoa Kỳ cùng đang phải đối đầu với những thách thức to lớn, đó là các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Hai nước cũng đang chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, bão tố, ngập lụt với những tổn thất nặng nề. Việt Nam, Hoa Kỳ cùng nhiều quốc gia cũng đang phải nỗ lực mạnh mẽ nhằm duy trì hòa bình và phát triển tại các khu vực trên thế giới và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hai nước có chung lợi ích về việc duy trì trật tự và ổn định thế giới và thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Đây là nền tảng cơ bản cho sự phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ hiện nay và tương lai.


Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ngài Daniel J.Kritenbrink tri ân Việt Nam đã trao tặng Hoa Kỳ khẩu trang để phòng, chống dịch COVID-19 và trân trọng Việt Nam khi tham gia các hoạt động chung của thế giới về y tế toàn cầu cũng như việc Việt Nam đã đứng đầu thế giới khi khống chế thành công dịch COVID-19. Ngài Đại sứ cũng trân trọng Việt nam đã tích cực tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh với việc đã có 727 bộ hài cốt của quân nhân Hoa Kỳ được tìm thấy. 


Đại sứ Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh: 25 năm qua, thành tựu đạt được trong quan hệ đối tác toàn diện của 2 nước là phi thường. Hoa Kỳ tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển, thịnh vượng của Việt Nam. Gác lại những khúc mắc trong quá khứ, hướng tới tương lai 25 năm tới, Hoa Kỳ tiếp tục các cam kết trong hoạt động gỡ bỏ số bom, mìn còn sót lại trong lòng đất, giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam-những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin… Gần 30.000 học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ sẽ là 30.000 sứ giả cho quan hệ đối tác toàn diện giữa 2 nước. Hoa Kỳ mong muốn hoàn thành Hiệp định về đối tác quân sự, đẩy mạnh hoạt động quốc phòng, giúp Việt Nam tiếp nhận máy bay T6, tàu Haminton 2 vào cuối năm 2020. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong tương lai với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, hòa bình, ổn định trong khu vực; hợp tác mạnh mẽ với các nước khác trong khu vực để đảm bảo an ninh năng lượng chung. 

 

Đại sứ Daniel J.Kritenbrink cho biết, Hoa Kỳ hướng tới quan hệ thương mại mang tính chất có lợi cho cả 2 bên. Về tự do hóa thương mại, Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng và thúc đẩy quan hệ song phương thay cho đa phương. Hệ thống quốc tế nếu theo cách “chân lý thuộc về kẻ mạnh” sẽ là  bất ổn. Về năng lượng, không phụ thuộc duy nhất vào một thị trường. Hoa Kỳ gợi mở cách tiếp cận cho Việt Nam nên tham gia vào các lĩnh vực như dịch vụ, công nghiệp, công nghệ thông tin… và thực hiện các giải pháp cải cách để kêu gọi đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn.  


Đại sứ cấp cao Phạm Quang Vinh cho rằng, quan hệ giữa hai nước mang cả tính toàn diện và tầm chiến lược nên cần được ghi nhận và nhân lên trong thời gian tới. Về kinh tế-thương mại, hai bên vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, trong khi vẫn còn những trở ngại, bởi vậy hai nước nên sớm rà soát Hiệp định thương mại song phương, vốn đã ký kết cách đây 2 thập kỷ, để cập nhật và nâng tầm cho phù hợp với quan hệ hai nước hiện đã được mở rộng và phát triển hơn nhiều.

 

Nhận định về chặng đường 25 năm qua, PGS.TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, cho rằng điểm nổi bật của quan hệ Việt - Mỹ là sự song trùng về lợi ích và chính sự song trùng này đã giúp quan hệ song phương tiến xa. Ngoài ra, ông cũng cho rằng mối quan hệ này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà lãnh đạo cấp cao, được minh chứng bằng những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nhất giữa hai nước đều đặn trong nhiều năm qua.

 

TS Nguyễn Tuấn Minh, Phó Tổng biên tập Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay - Viện nghiên cứu châu Mỹ, nhấn mạnh tới cơ hội hợp tác giữa hai nước hậu đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thế giới có sự chuyển dịch rất lớn do đại dịch Covid-19, ông Minh đặt ra một loạt các câu hỏi như: Nếu các nước xây dựng các chuỗi cung ứng mới, Việt Nam sẽ ở đâu trong chuỗi cung ứng này?; Việt Nam sẵn sàng đón sự chuyển dịch đầu tư hay chưa?; Doanh nghiệp Việt Nam có sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng không?; Việt Nam có nâng tầm trong khu vực và thế giới hay không?...

 

Ông Minh cho rằng, để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Mỹ, hai nước có thể xây dựng một khuôn khổ thương mại và đầu tư mới dựa trên Hiệp định Khung về Đầu tư và Thương mại (TIFA). Ông nhận định, năm 2021 là thời điểm phù hợp để phê chuẩn TIFA mở rộng, từ đó có thể tạo đà tiến tới một hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Mỹ.

 

Buổi hội thảo khoa học là cơ hội để các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước chia sẻ với nhau về những vấn đề học thuật mà hai bên cùng quan tâm, từ đó thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu về quan hệ quốc tế, nghiên cứu về Mỹ và Châu Mỹ nói chung tại Việt Nam cũng như ở nước ngoài.


Tổng hợp


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn