Buổi sinh hoạt khoa học đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các đoàn viên thanh niên, lãnh đạo các phòng ban VIAS cũng như các cán bộ nghiên cứu khác quan tâm tới chính trị Mỹ.
Bài thuyết trình với chủ đề: “Khái quát về chia rẽ chính trị ở Mỹ hiện nay và dự báo dưới thời Tổng thống Donald Trump” đã được chị Lê Thị Thu – Lãnh đạo phòng Nghiên cứu Chính trị trình bày một cách rõ ràng, dễ hiểu. Ở Mỹ hiện nay đang có sự thay đổi về ý thức hệ và quan điểm khác nhau giữa hai chính đảng. Trong giai đoạn hiện nay, các đảng ngày càng gia tăng sự khác nhau ở tất cả các chính sách lớn. Chia rẽ đảng phái năm 2016 Trong chiến dịch bầu cử năm 2016, đặc biệt là vào thời điểm đảng hai chính đảng tổ chức đại hội đảng toàn quốc, sự chia rẽ giữa hai chính đảng được đánh giá là sâu rộng, thậm chí được gọi là “tình trạng thù địch” nhất trong gần một phần tư thế kỷ qua. trong các cuộc khảo sát của Pew về quan điểm của đảng này về đảng kia, đa số câu trả lời là hoạt động của đảng đối lập thể hiện mối đe dọa cho thịnh vượng quốc gia. Sự chia rẽ này được đánh giá là do các nguyên nhân sau: chia rẽ đảng phái; chia rẽ trong công chúng, cử tri Mỹ; ảnh hưởng từ môi trường truyền thông và do các thay đổi trong Quốc hội Mỹ. Tình trạng chia rẽ chính trị ở Mỹ hiện nay có một số tác động nhất định đến kinh tế, chính trị và xã hội Mỹ.
Chủ đề “chia rẽ chính trị ở Mỹ hiện nay” đã thu hút được nhiều ý kiến đóng góp và các bình luận từ những thành viên tham gia buổi sinh hoạt khoa học. Bên cạnh những tác động trên phạm vi vĩ mô thì chia rẽ chính trị cũng tác động đến một số gia đình ở Mỹ. Một số thành viên trong gia đình có quan điểm chính trị trái chiều và giữ sự ủng hộ các đảng phái khác nhau gây ra tình trạng căng thẳng cho gia đình, thậm chí có những gia đình không thể hòa hợp trở lại do ảnh hưởng của chia rẽ chính trị.
Buổi sinh hoạt khoa học kết thúc bằng những kết luận về chia rẽ chính trị ở Mỹ hiện nay và một số dự báo dưới thời Donald Trump. Như thế, vấn đề lớn nhất đặt ra đối với nước Mỹ trong giai đoạn hiện nay là tình trạng chia rẽ chính trị, đặc biệt là mâu thuẫn đảng phái ngày càng sâu sắc. Sự chia rẽ đảng phái ở Mỹ trong những năm vừa qua được đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ thời Nội chiến. Đây là điều người dân Mỹ đang lo sợ khi chứng kiến đất nước của họ ngày càng chìm trong những bất đồng và mâu thuẫn sâu sắc. Trong bối cảnh hiện tại, có thể thấy rằng dường như sự chia rẽ đảng phái sẽ khó giảm dần, thậm chí tình trạng đó còn có thể trầm trọng thêm, đặt ra thách thức lớn đối với quản trị tại nước Mỹ. Cải cách chính trị làm giảm chia rẽ là cần thiết không chỉ để tăng sự thỏa hiệp trong Quốc hội, mà còn để khôi phục niềm tin công chúng vào các thể chế của Mỹ và giải quyết tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày càng gia tăng. Vì thế, ở nước Mỹ đã có một số đề xuất để giảm chia rẽ hoặc giảm thiểu tác động từ chia rẽ. Trong những năm gần đây, đề xuất cải cách bầu cử để thay đổi khu vực bầu cử, bầu cử sơ bộ, và tài chính cho chiến dịch bầu cử đã được đưa ra. Cải cách khác đã tập trung vào việc thay đổi thủ tục pháp lý như các thủ tục liên quan đến việc áp dụng cản trở sự thông qua một đạo luật, phân bổ, và quá trình xác nhận ở nghị viện để hạn chế việc phát sinh phân cực làm suy yếu chính phủ. Tuy nhiên, tất cả các đề xuất này đều khó trở thành hiện thực do tính ổn định của các thể chế chính trị ở Mỹ...
Phạm Ngọc Lam Giang