Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ; Ông Mark Lambert, tham tán chính trị, Đại sứ quán Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại tá Bùi Tá Khanh, Viện Chiến lược Quân sự, Bộ Quốc phòng Việt Nam; Đại sứ, Tham tán của một số nước tại Việt Nam như: Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…; cùng các chuyên gia và học giả đến từ các viện nghiên cứu chuyên ngành trực thuộc Viện Hàn lâm.
PGS.TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ phát biểu chào mừng Tọa đàm
Tọa đàm đã được nghe 3 tham luận của các diễn giả (PGS.TS Cù Chí Lợi, Ngài Mark Lambert và Đại tá Bùi Tá Khanh), đánh giá tổng quan về mối quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ (quan hệ đối tác toàn diện) về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng hướng tới sự ổn định, hòa bình trên thế giới.
(Từ trái sang) Đại tá Bùi Tá Khanh; PGS.TS. Cù Chí Lợi và Ngài Mark Lambert tại Tọa đàm
Các báo cáo tập trung vào 2 vấn đề chính sau:
(1) Sự chuyển biến tích cực, đột phá về mối quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ từ quan hệ chiến lược (2000) sang quan hệ đối tác toàn diện (tháng 7/2013). Ngoài ra, PGS.TS. Cù Chí Lợi chỉ ra 2 thách thức về quá trình phát triển quan hệ giữa 2 quốc gia trong giai đoạn tới: (i) Những tranh cãi về vấn đề nhân quyền; (ii) Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc. Theo đó, quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức đặt ra dựa trên mối quan tâm chung về an ninh khu vực.
(2) Để củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam- Hoa Kỳ, Ông Mark Lambert và Đại tá Bùi Tá Khanh nhấn mạnh việc xây dựng niềm tin vững chắc thông qua thúc đẩy tiến bộ an ninh quốc phòng (huấn luyện, đào tạo sĩ quan trong đó có hải quân và cảnh sát biển) với 5 lĩnh vực hướng tới: (i) Thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc phòng hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam; (ii) An ninh hàng hải; (iii) Vấn đề tìm kiếm cứu nạn; (iv) Nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc; (v) Hỗ trợ nhân đạo và thảm họa thiên tai.
Đồng thời, hai bên cần có sự thẳng thắn, học hỏi lẫn nhau, tăng cường sự tin cậy thông qua các cuộc viếng thăm quân sự cấp cao, giải quyết hậu quả chiến tranh, hợp tác an ninh và tự do hàng hải nhằm duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Các tham luận của ba diễn giả đã nhận được nhiều trao đổi và câu hỏi của đại biểu tham dự. Các ý kiến đều hướng tới hợp tác, quan tâm chia sẻ, khắc phục những điểm khác biệt mỗi bên, tạo bước tiền đề phát triển quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 quốc gia trong tương lai. Tổng kết Tọa đàm, PGS.TS.Cù Chí Lợi đã nhiệt liệt cảm ơn sự có mặt và phát biểu ý kiến của cả đại biểu Việt Nam và quốc tế. Phó giáo sư, Viện trưởng tin tưởng rằng, các vấn đề nêu ra tại Tọa đàm sẽ trở thành cơ sở lý luận góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai quốc gia vì mục tiêu phát triển bình đẳng, hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, hướng tới nhu cầu của nhau để thu được những kết quả cụ thể và thiết thực hơn trong thời gian tới.