Tọa đàm khách mời quốc tế: "Chính sách tái cân bằng sang châu Á của Hoa Kỳ"

22/01/2015

Sáng ngày 21 tháng 1 năm 2015, tại trụ sở số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) qua đầu mối Viện Nghiên cứu Châu Mỹ (VIAS) đã tiếp đón và tổ chức buổi tọa đàm với khách mời là Đại tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương về quá trình thực hiện chính sách tái cân bằng sang châu Á của Hoa Kỳ.

Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì buổi tiếp đón Đại tướng Vincent Brooks, Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ khu vực Thái Bình Dương cùng các sĩ quan và buổi tọa đàm diễn ra trong không khí giản dị, thân mật và trọng thị. Tham dự buổi tọa đàm, ngoài các đại biểu đến từ VASS còn có các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách đến từ các học viện, viện nghiên cứu, trường đại học tại Hà Nội.

 

 

Mở đầu tọa đàm, Đại tướng Vincent Brooks đã có bài trình bày giới thiệu về vai trò của Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, về chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ tại Châu Á và quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

 

Theo Đại tướng Vincent Brooks, Lục quân Hoa Kỳ thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương tiến hành các hoạt động quân sự trong khu vực trải dài từ Ấn Độ đến bờ Tây Hoa Kỳ. Lục quân Hoa Kỳ là đơn vị ở cấp khu vực với chỉ huy là cấp tướng 4 sao, mới được khôi phục lại vào năm 2013 sau năm 1974, là một trong những mục tiêu để thực hiện chính sách tái cân bằng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Lục quân Hoa Kỳ hiện có 106.000 quân, tăng 30.000 quân từ 2013 và có trụ sở ở Honolulu. Đây cũng là trụ sở của nhiều bộ phận quân sự khác tại Hawaii và tất cả đều nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, là Bộ Tư lệnh duy nhất của Hoa Kỳ có căn cứ tập trung tại một nơi.

 

Về chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ tại Châu Á, Đại tướng Vincent Brooks làm rõ tái cân bằng thể hiện sự chuyển dịch trọng lực để có được sự cân bằng mới. Cam kết của Hoa Kỳ trong khu vực này không phải là mới vì Hoa Kỳ chưa bao giờ rời khỏi khu vực trong suốt 116 năm qua. Tùy thuộc vào trọng tâm của mỗi giai đoạn mà Hoa Kỳ sẽ dịch chuyển mục tiêu. Vấn đề là khi Hoa Kỳ cần điều chỉnh những nỗ lực toàn cầu của mình thì việc điều chỉnh sẽ được áp dụng như thế nào tại khu vực này. Tái cân bằng chỉ là một phần của những nỗ lực toàn cầu. Thực tế cho thấy có những vấn đề quan trọng khác ngoài vấn đề an ninh. Cụ thể, chính sách tái cân bằng của Hoa Kỳ tại Châu Á đặt trọng tâm vào các vấn đề sau: tăng cường can dự kinh tế với các quốc gia trong khu vực; củng cố quan hệ với các đồng minh trong khu vực; tìm kiếm thêm các mối quan hệ mới trong khu vực; và tăng cường các thể chế trong khu vực.

 

Về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Đại tướng Vincent Brooks cho rằng Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cho sự tăng trưởng và phát triển. Việt Nam đang tiến lên phía trước với những mối quan hệ mới bên cạnh những mối quan hệ cũ. Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2013, Ngoại trưởng John Kerry đã khẳng định một Việt Nam thịnh vượng sẽ là một đối tác quan trọng và tích cực của Hoa Kỳ. Dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước tới đây sẽ đánh dấu một thành tựu quan trọng của quá trình hòa giải và cùng hướng tới những mối quan tâm chung. Đến nay, hợp tác quốc phòng giữa hai nước ngày càng được mở rộng và sâu sắc hơn vì những mục tiêu chung trong một khu vực năng động, phức tạp và nhiều thách thức. Năm 2013, Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thống nhất thiết lập quan hệ đối tác toàn diện để thắt chặt hơn quan hệ hai nước, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh, chống phổ biến vũ khí và hợp tác quốc phòng. Bộ quốc phòng Hoa Kỳ và Việt Nam đã có những thỏa thuận hợp tác. Bộ Tư lệnh TBD sẽ tập trung vào 5 vấn đề cụ thể sau:

 

-         Cam kết xây dựng một mối quan hệ hợp tác quốc phòng lâu bền và thực tiễn với Việt Nam

-         Hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực an ninh hàng hải để giải quyết các mối đe dọa truyền thống và phi truyền thống

-         Hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực quản lý thảm họa

-         Hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực trong hoạt động gìn giữ hòa bình để đóng góp cho hoạt động của quốc tế

-         Hỗ trợ Việt Nam cải thiện năng lực trong các lĩnh vực quốc phòng khác như y tế, an toàn dưới nước, rà phá bom mìn….

 

Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác song phương nhưng cần thận trọng trong các hoạt động không chỉ liên quan đến 2 quốc gia mà còn liên quan đến các nước láng giềng và khu vực. Bởi vậy, hai nước cần có sự liên lạc, giao tiếp, minh bạch để không làm tổn hại các mối quan hệ khác và tránh những tính toán sai lầm nhằm giải quyết tốt đẹp các mối quan hệ cũ và mới. Những cơ chế đa phương khác cũng có thể là yếu tố cân bằng giúp hai nước cùng giải quyết các mối quan ngại chung.

 

Gần đây Hoa Kỳ và Trung Quốc đã có những cuộc diễn tập quân sự chung theo cơ chế các binh sĩ cấp dưới phối hợp với nhau để cùng giải quyết các vấn đề nhỏ còn cấp tá tướng sẽ hỗ trợ từ phía trên, đặc biệt là trong các vấn đề về nhân đạo. Các cuộc diễn tập này sẽ giúp hai nước cùng ngăn ngừa được những tính toán sai và hợp tác tốt hơn để giải quyết các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Các mối quan hệ song phương như vậy sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cho các hoạt động đa phương mà Hoa Kỳ đang tiến hành trong khu vực này. Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có các hoạt động diễn tập chung tại Việt Nam về cứu trợ thảm họa, khủng hoảng nhân đạo. Hoa Kỳ có thể sẽ đưa Việt Nam tới quan sát các hoạt động này trong khuôn khổ ASEAN. Kết thúc bài trình bày, vị Tướng 4 sao nêu ra câu hỏi tới các đại biểu tham dự với mục tiêu làm thể nào để hai nước tăng cường hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

 

 

Sau bài phát biểu của Đại tướng Vincent Brooks, Giáo sư Nguyễn Xuân Thắng dẫn dắt phần thảo luận sôi nổi tập trung vào làm rõ hơn các vấn đề xung quanh chính sách tái cần bằng sang châu Á của Hoa Kỳ có liên quan đến Việt Nam. Kết thúc phần thảo luận, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXHVN cảm ơn phần trả lời rõ ràng, thẳng thắn của Tướng Brooks về các quan điểm của Hoa Kỳ, giúp hai bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Chủ tịch mong Đạ sứ quán HOa Kỳ tiếp tục phối hợp tổ chức những buổi tọa đàm như vậy trong tương lai và khẳng định Việt Nam sẽ luôn tham gia vào các vấn đề khu vực và quốc tế với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì hòa bình và thịnh vượng./.

 


Viện Nghiên cứu Châu Mỹ


Xem tin phát hành ngày:
Tạp chí khoa học xã hội và nhân văn trên sóng truyền hình VTV2 (04/12/2018) Viện Hàn Lâm Khoa Học Việt Nam (06/12/2014) Tiết mục của Viện Kinh tế chính trị Thế giới (06/12/2015)

CỔNG THÔNG TIN VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU MỸ

Bản quyền thuộc về Viện nghiên cứu Châu Mỹ

Địa chỉ: Tầng 11 tòa nhà số 1, Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Điện thoại: (846) 2730427 Fax: (846) 2730427

Email: vias@vass.gov.vn